Kết quả Trận_Đồi_Thịt_Băm

Trong 10 ngày chiến đấu, quân đội Mỹ chịu thiệt hại 72 lính chết và 372 bị thương, vài trực thăng bị bắn rơi hoặc bắn hỏng. Quân Mỹ tuyên bố các tiểu đoàn 7 và 8 của Trung đoàn 29 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã có 630 người tử trận (chưa kể số bị thương) khi chiến đấu với quân Mỹ. Con số thiệt hại của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam do Mỹ tuyên bố gây nhiều tranh cãi và bị coi là phóng đại, bởi thực tế quân Mỹ không thể đếm số lính Việt Nam bị chết trong hoàn cảnh chiến trường khi đó (địa hình rừng núi, pháo kích và không quân ném bom dày đặc làm chiến trường rất khó quan sát, bộ binh Việt Nam cũng thường ẩn mình trong các công sự khó bị phát hiện). Trong thực tế, trong suốt trận đánh, quân Mỹ chỉ thu được 89 vũ khí cá nhân và 22 vũ khí cộng đồng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (chỉ bằng 1/6 số lính Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tử trận mà Mỹ tuyên bố)[1].

Quân Mỹ thương vong hàng trăm binh sĩ nhưng rốt cục chỉ chiếm được một ngọn đồi không có giá trị về quân sự. Thiếu tướng John M. Wright lặng lẽ ra lệnh rút khỏi đồi ngày 5 tháng 6. Các cuộc tranh luận về "Hamburger Hill" diễn ra tại Quốc hội Hoa Kỳ, với những lời chỉ trích đặc biệt nghiêm trọng của các thượng nghị sĩ Edward Kennedy, George McGovern, và Stephen M. Young. Edward Kennedy gọi đây là "Cuộc hành quân điên rồ và vô trách nhiệm. Sinh mạng của binh sĩ Mỹ đã bị phung phí chỉ để thể diện nhà binh cho các sĩ quan chỉ huy"[4]

Báo chí Mỹ ngày 25 tháng 5 năm 1969 gọi A Bia là "Đồi thịt băm của lính dù Mỹ", lên án quân đội Mỹ ném quân lên vùng núi A Bia chỉ để biến cuộc hành quân "Tuyết rơi trên đỉnh núi" (Apache Snow) thành "Máu rơi trên đỉnh núi". Trong số 27 tháng 6, Tạp chí Life đã công bố những bức ảnh của 241 lính Mỹ thiệt mạng trong một tuần tại Việt Nam, được coi là một bước ngoặt của chiến tranh. Dù chỉ có một phần trong số này là thương vong trên Hamburger Hill, nhiều người Mỹ đã nhận thức rằng tất cả những người chết đều là nạn nhân của "trận đánh điên rồ và vô nghĩa" này.

Tranh cãi về trận Hamburger Hill đã dẫn đến một đánh giá lại chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Như một kết quả trực tiếp, để giữ thương vong không cao quá mức, tướng Abrams ngừng chính sách "áp lực tối đa" chống lại Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong khi Tổng thống Richard Nixon đẩy nhanh thực hiện chiến lược mới là Việt Nam hóa chiến tranh, và tuyên bố đợt rút quân viễn chinh đầu tiên. Mặc dù trận đánh chỉ ở mức tiểu đoàn, song nó đã trở thành một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam.

Với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, những kết quả thu được trong trận đánh ở A Bia và đợt hoạt động phản công của Sư đoàn 324 ở vùng thung lũng A Lưới đã cổ vũ và thúc đẩy phong trào đánh phá "bình định" đang phát triển ở các địa phương. Chiến thắng A Bia đã đi vào trang sử truyền thống đầu tiên của sư đoàn 324 kể từ khi được tổ chức lại và là mốc mở đầu cho giai đoạn khôi phục lại thế trận xuống đồng bằng, lập lại thế ba vùng chiến lược sau Tết Mậu Thân 1968.